Học ăn, học nói, học "gói trải nghiệm" mang về - Phần 1
Hơn một năm ở Sài Gòn, mình có cơ hội được trải nghiệm nhiều điều thú vị từ văn hóa, ẩm thực đến lối sống mà bản thân chưa chắc tìm thấy qua internet hay phim ảnh.
Phần 1: Học ăn đồ "local”
Disclaimer: Mình sẽ gọi những người sinh sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh là “người Sài Gòn” - một cách gọi thân quen mà bạn bè và đồng nghiệp mình vẫn hay nhắc đến trong những câu chuyện thường ngày.
Một điều trùng hợp là mình làm việc tại một công ty giao đồ ăn trong thời gian sinh sống ở Sài Gòn. Chính vì cơ duyên này, mình có cơ hội được mở mang tầm mắt khá nhiều về ẩm thực ba miền.
Bạn bè hay kể là đồ ăn Sài Gòn rất ngọt và khó ăn, không hợp khẩu vị người miền Bắc. Một tháng đầu thì đúng là như vậy, thứ mình ăn được duy nhất là cơm tấm (với mình thì đây là món dễ ăn nhất). Rồi theo thời gian, mình dần khám phá ra ẩm thực ở Sài Gòn cũng thú vị. Mình bị cuốn hút bởi sự đa dạng và sáng tạo từ những món ăn đường phố. Sài Gòn như một nồi lẩu thập cẩm, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy món ăn phù hợp với khẩu vị của mình. Từ bánh mì, cơm tấm, hủ tiếu gõ, bột chiên, phá lấu, bún bò, mì quảng hay phở Hà Nội – mỗi món ăn đều mang trong mình câu chuyện và nét đặc trưng của từng vùng miền.
Có một điều hay là người Sài Gòn thích ăn cay, rất cay là đằng khác. Ở đây người ta có thói quen bỏ ớt tươi vào hầu như mọi món ăn – từ vài lát ớt trong chén nước mắm đến sa tế đỏ au trong bát phở, ớt trong tô hủ tiếu hay ớt kẹp trong bánh mì. Đến món đồ chấm nổi tiếng mà mình thấy rất ngon còn có cái tên “muối ớt xanh”. Những ngày đầu mới đến mình thường mua bánh mì để ăn sáng. Cảm giác đầu tiên của mình khi cắn một miếng là "sốc" vì cay đến mức chảy nước mắt. Dần dần mình học được là nếu không muốn ăn ớt thì hãy gọi không cay/không ớt ngay từ đầu. Một số quán ăn họ vẫn bỏ ớt riêng để khách ăn có thể lựa chọn ăn cay hoặc không. Ớt và tương ớt là 2 thứ khác nhau, nếu vẫn muốn ăn cay bạn có thể gọi không ớt và thêm tương ớt, cái này mới nè. Khi vượt qua được cái sự cay xé lưỡi ban đầu, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn hương vị thơm ngon và đậm đà của từng món ăn. Cay dường như không chỉ là một hương vị mà còn là cách thể hiện cá tính – mạnh mẽ, táo bạo nhưng cũng đầy nhiệt huyết.
Cách ăn cũng là một thứ khiến mình có thêm góc nhìn mới: Ở đây mọi người thường có thói quen cho tất cả mọi thứ vào tô trước khi ăn. Từ bún bò, cơm tấm, bún thịt nướng, cho đến bún chả miền Bắc mình cũng thấy đứa em cho tất cả mọi thứ vào tô rồi mới ăn haha. Khi thử thì có hơi lạ, nhưng dần dần mình cũng quen, cảm giác ăn theo kiểu “xôi thịt” này đã vô cùng.
Khi nhắc đến đồ uống ở Sài Gòn, không thể không kể đến văn hóa cà phê – một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây. Cà phê Sài Gòn có vô vàn "phiên bản" khác nhau, từ cà phê sang chảnh với bao bì bắt mắt cho đến cà phê sữa đá vỉa hè – thứ đồ uống mà người Sài Gòn tự hào giới thiệu như "đặc sản". Điều làm cà phê Sài Gòn đặc biệt hơn nữa chính là không khí mà nó mang lại. Từ những quán vỉa hè, nơi bạn có thể trò chuyện với các cô chú bán cà phê thân thiện, đến những quán cà phê cao tầng, nơi bạn ngắm toàn cảnh thành phố, mỗi nơi đều mang lại một trải nghiệm riêng. Người Sài Gòn có thể mời nhau một ly cà phê để bắt đầu ngày mới, để gặp gỡ đối tác, hay đơn giản chỉ để "tám" chuyện đời thường. Với mình, uống 1 ly cafe Sài Gòn mỗi sáng cũng giản dị như cách mình hay uống trà đá ở Hà Nội vậy.
Đó là đồ ăn vỉa hè và dân dã. Nói đến chuỗi và cửa hàng tiện lợi, các bạn cũng sẽ thấy bất ngờ bởi độ phong phú và đa dạng ở Sài Gòn. Nếu một người Hà Nội bước chân ra đường với 2 lựa chọn: Winmart hoặc Circle K thì người Sài Gòn sẽ không biết lựa chọn gì giữa Circle K, 7-Eleven, Family mart, GS25, … Quá nhiều lựa chọn, thậm chí ở mỗi tòa chung cư khác nhau bạn sẽ phát hiện những brand Convenient store chưa bao giờ nghe qua. Và khi sự đa dạng xuất hiện, điều giữ chân khách hàng chắc chắn là món ăn signature của từng brand. Mình cảm giác trà tắc 7-Eleven đúng là đỉnh cao mà ở Hà Nội mình chưa chắc tìm ra vị đó.
Hệ thống siêu thị và Trung tâm thương mại thì lại càng đa dạng hơn nữa. Riêng phần này sẽ để các bạn tự trải nghiệm, nhưng ở Sài Gòn mình recommend mọi người nên đến Takashimaya chơi nhé. Nói vui thì khi bạn đến đó chơi, Vincom chỉ còn là cái tên (Just kidding).
Quận nhất có nhiều lựa chọn về đồ Âu. Quận 5 có đồ Hoa ngon. Mình từng ở Quận 10 - thiên đường đồ ăn, bước chân ra đường chỉ có ăn và ăn. Những trải nghiệm về văn hóa ăn uống của Sài Gòn đã giúp mình mở rộng thế giới quan, không chỉ về ẩm thực mà còn về con người và lối sống. Ẩm thực Sài Gòn không quá cầu kỳ nhưng sự phong phú và đa dạng của nó khiến bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy một phần của mình trong đó, và trở thành trải nghiệm vô cùng đáng nhớ!
(Còn tiếp)