Học ăn, học nói, học "gói trải nghiệm" mang về - Phần 2
Hơn một năm ở Sài Gòn, mình có cơ hội được trải nghiệm nhiều điều thú vị từ văn hóa, ẩm thực, lối sống mà bản thân chưa chắc tìm thấy qua internet hay phim ảnh.
Phần 2: Học nói tiếng “local”
Người Sài Gòn nói chuyện thân thiện, gần gũi và phóng khoáng. Lúc đầu mình còn lạ tai với mấy tiếng “ê nha”, “hông”, “kì dzậy”, nhưng rồi sau đó làm quen nhanh lắm. Ăn xong tô bún bò cô chủ quán bảo: “Cảm ơn con, bữa sau ghé nữa nha!” là thấy dễ chịu và yêu đời liền. Chính kiểu trò chuyện cởi mở và nhẹ nhàng đó góp phần làm tăng trải nghiệm giao tiếp của mình mỗi ngày.
Là một người Bắc sống trong Nam, mình nhận ra khác biệt về ngôn ngữ đôi khi làm cho việc giao tiếp trở nên đôi chút hạn chế. Có lần ở quán ăn, mình hỏi bạn nhân viên xin 1 cái thìa, bạn đơ khoảng 2-3 giây rồi mới mỉm cười: “Dạ anh xin thêm muỗng phải không anh?”. Một lần khác thì mình xin thêm cái cốc ở quán bia, bạn nhân viên cũng cần hỏi lại để confirm: “Dạ anh xin thêm ly?”. Mình dần nhận ra nói theo cách: thìa, cốc cũng giống như muỗng, ly; vậy thì tại sao không thử chuyển qua nói muỗng, ly cho người đối diện có thể hiểu nhanh hơn. Thế là mình tập thực hành “translate” những từ đó trong đầu trước khi nói ra. Mục tiêu của việc này chủ yếu là giúp cho việc giao tiếp hiệu quả hơn.
- Chú ơi tới khúc trên quẹo trái giùm con nha
- Anh ơi cho em xin thêm chén nước mắm nha
- Đổi qua ly take away giùm anh nha
- …
Nhờ thực hành “translate” theo phương pháp tự nghĩ ra, mình học được thêm nhiều cách diễn đạt thú vị:
Công thức 01: Thêm Dấu hỏi ( ? ) nếu muốn chỉ ngôi thứ 3
Khi bạn đang trong 1 cuộc hội thoại từ 2 người trở lên, nếu muốn đề cập đến một người không ở đó, nguyên tắc là thêm dấu hỏi vào đại từ chỉ ngôi thứ 3 đang nhắc tới người đó và lược bớt “ấy”. Ví dụ:
Anh ấy → Ảnh
Cô ấy → Cổ
Bà ấy → Bả
Em ấy → Ẻm
Ông ấy → Ổng
Chị ấy → Chỉ
…
Công thức này cũng có thể áp dụng cho nơi chốn, ví dụ:
Bên ấy → Bển
Trong đó → Trỏng
…
Công thức 02: gọi tên đồ vật theo công dụng của chúng
Có những thứ rất gần gũi với cuộc sống và mọi người thường gọi chúng theo công dụng. Ví dụ như:
- Bật lửa thì gọi là hộp quẹt (liên tưởng đến cách mình quẹt que diêm)
- Điều hòa thì gọi là máy lạnh (Vì dùng để làm lạnh, trong này không có mùa đông nên chỉ có điều hòa 1 chiều)
- Lái xe thì hay gọi là chạy xe (Mô tả hành động chạy trên đường bằng xe)
- Giấy ăn → Khăn giấy (Chắc là cái khăn làm từ giấy?)
- Thủng xăm → Bể bánh (Bể = hỏng)
- …
Công thức 03: thay đổi một số từ Bắc sang từ Nam
Cái này thực ra không có công thức mà chỉ là giao tiếp lâu thì quen cách nói và đổi qua cách nói cho dễ hiểu hơn, ví dụ:
- Vâng anh hỏi gì em thế ạ? => Dạ em nghe anh?
- Để em thử phương án này xem sao ạ => Dạ để em thử coi sao nha anh
- Đi thang máy muốn ra ngoài: Cho em đi nhờ => Dạ cho em qua
Funny quote khi va chạm trên đường:
Đi kiểu gì vậy anh trai? = Mày biết bố mày là ai không?
Kết
Những cú “translate” nho nhỏ ấy dần thành thói quen, giúp mình rút ngắn khoảng cách và hòa nhập nhanh hơn. Tiếng “local” không phải để khoe, mà là cách mình tôn trọng người đang nói chuyện và bối cảnh xung quanh. Đôi lúc mình vẫn lỡ miệng “thìa, cốc”, mọi người cười rồi chỉ lại – thế là học thêm. Rốt cuộc, giao tiếp không nằm ở đúng–sai câu chữ, mà ở thiện ý lắng nghe và chịu khó điều chỉnh để cả hai bên thấy thoải mái.
Vậy nên nếu bạn mới vào Sài Gòn, cứ mạnh dạn “quẹt hộp quẹt”, “chạy xe” hay “quẹo lựa”. Biết đâu, chính những câu nói giản dị ấy lại mở ra thêm vài cuộc trò chuyện vui và một Sài Gòn thân thiện hơn trong mắt bạn.